Thiền lý Lâm_Tế_tông

Cơ phong của tông này rất bén nhạy và mạnh mẽ, nổi bật nhất trong Ngũ Gia Thất Tông. Thiền sư Lâm tế Nghĩa huyền kế thừa tiếng hét của Mã Tổ, dùng cơ phong đánh hét để tiếp dẫn hậu học rất xuất sắc. Trong Nhân Thiên Nhãn Mục, gọi tông này với tên ngành nghề là Lâm Tế tướng quân ,ý nói tông này mãnh liệt, táo bạo giống như người tướng quân chỉ huy quân đội nơi sa trường, không một phút nghỉ ngơi, tập trung toàn bộ tinh thần nơi việc của mình.

Đến đời pháp thứ 12 là Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo, đề xướng phương thức khán thoại đầu (tức tham cứu công án), đều dùng thủ đoạn thần tốc, mãnh liệt, hoặc những lời nói sắc bén, khiến người học ngay đó tỉnh ngộ. Nhờ có cơ phong thần tốc, mãnh liệt, cộng với phong cách tự do, nên Thiền pháp của tông Lâm tế rất được giới vũ sĩ, tướng quân và chính khách ưa thích.

Bức họa thiền sư Nam Phổ Thiện Minh, trên tay cầm trúc bề

Thủ thuật đánh, hét

Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền thường sử dụng hai thủ thuật là đánh và hét để giáo hóa người học, mà hét nổi tiếng hơn đánh. Cái hét của ngài làm chấn động khắp các tùng lâm đương thời khiến cho trong pháp hội của ngài ai cũng tranh nhau hét. Sư ứng cơ thường hay dùng hét, người xưa gọi là vào cửa liền hét. Bởi trong một tiếng hét sẵn đủ tam huyền tam yếu và tác dụng chủ khách. Cơ phong hét của Lâm Tế cao vút, không có chổ cho người bám, thường uyển chuyển lanh lợi như đá nhoáng điện chớp, hễ qua rồi thì mất. Trong Lâm Tế lục có ghi lại công án như sau:

Có một vị tăng hỏi: "Thế nào là đại ý phật pháp?". Sư liền hét. Tăng lễ bái. Sư nói: "Ông hãy nói tiếng hét ấy tốt hay xấu?". Tăng nói: "Giặc cỏ đại bại". Sư hỏi: "Lỗi tại chổ nào?" Tăng nói: "Lại còn tái phạm chẳng thể dung tha". Sư liền hét.

Theo Thiền sư Tổ Nguyên Siêu Minh- tác giả của bộ Vạn Pháp Quy Tâm Lục thì có 4 loại hét(tứ hát):

Hỏi: Thế bài là bốn loại hét? (tứ hát). Đáp: Một hét như bảo kiếm vua Kim Cang, một hét như sư tử ngồi. Một hét như sào dò bóng cỏ. Một hét không có công dụng của hét

Bên cạnh những tiếng hét vang vọng của Lâm Tế còn có đánh, nhưng đánh là phần phụ thôi. Tuy nhiên, đánh và hét của Lâm Tế đều có ý nghĩa rành mạch.

Sư thượng đường, có một vị tăng ra hỏi: "Thế nào là đại ý Phật Pháp?". Sư giơ cây phất tử lên. Vị tăng liền hét, sư cũng hét. Vị tăng suy nghĩ, sư liền đánh

Sư nói: "Này đại chúng! Phàm là người vì pháp thì không trốn tránh sự tan thân mất mạng. Ta năm hai mươi tuổi ở trong hội ngài Hoàng Bá, ba lần hỏi đại ý Phật Pháp, ba lần được ngài Hoàng Bá cho ăn gậy, giống như cây chổi quét vậy. Hôm nay các ông cũng được thưởng gậy, vây ai là người có sở đắc nơi ta?".

Lúc đó có một vỊ tăng ra nói:" Con được". Sư nắm gậy đưa cho vị tăng, tăng định lấy, sư liền đánh.

Những buổi tham vấn đánh hét này khá phổ biến trong pháp hội của Thiền sư Lâm Tế thời bấy giờ và còn được ứng dụng đến thời cận hiện đại trong các thiền viện Lâm Tế Nhật Bản trong các buổi tham vấn (độc tham). Theo thiền sư Vô Học Tổ Nguyên thì có 8 loại gậy(bổng) là: gậy thưởng, gậy phạt, gậy tung, gậy đoạt, gậy ngu si, gậy hàng ma, gậy tảo tích, gậy vô tình.

Tam huyền, tam yếu

Tam huyền, tam yếu (三玄三要) là một trong những giáo lý chính của Tông này, giúp cho người tu hành vượt qua mọi sự phân biệt đối đãi chấp trước, kích thích hành giả phát khởi nghi tình. Đầu tiên là tam huyền:

  1. Thể trung huyền: Chỉ cho câu nói hoàn toàn không trau chuốt văn hoa, chỉ y cứ vào chân tướng là đạo lí của mọi sự vật mà biểu hiện.
  2. Cú trung huyền: Chỉ cho lời nói chân thực, không hề liên quan đến tình thức phân biệt, tức không câu nê vào ngôn ngữ mà chỉ nhằm tỏ ngộ ý nghĩa sâu kín của lời nói.
  3. Huyền trung huyền (cũng gọi Dụng trung huyền): Chỉ cho câu nói sâu xa mầu nhiệm, xa lìa tất cả lí luận tương đãi và sự trói buộc của ngữ cú..

Trong mỗi huyền môn lại có ba yếu tố quan trọng gọi là tam yếu. Theo Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu thì tam yếu bao gồm:

  1. Yếu thứ nhất: Trong lời nói không có phân biệt tạo tác.
  2. Yếu thứ hai: Nghìn Thánh vào thẳng nghĩa sâu xa mầu nhiệm.
  3. Yếu thứ ba: Dứt bặt nói năng.

Trong Lâm Tế lục có ghi lại đoạn Lâm Tế giảng nghĩa Tam Huyền, Tam Yếu như sau:

Thiền sư Lâm Tế thượng đường nói: "Phàm người diễn xướng tông thừa trong một câu phải đủ ba huyền môn, mỗi huyền môn phải đủ tam yếu. Có quyền có thật, có chiếu có dụng". Và nói: " Nếu trong câu thứ nhất(đệ nhất cú) tiến được, kham cùng Phật, Tổ làm thầy. Nếu trong câu thứ hai(đệ nhị cú) tiến được, kham làm thầy trời người. Nếu trong câu thứ ba(đệ tam cú) tiến được, tự cứu chẳng xong".

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ nhất?

Sư đáp: Tam yếu ấn khai điểm son hẹp, chưa cho nghĩ nghị chủ khách phân( Tam yếu ấn khai chu điểm trách, vị dung nghĩ nghị chủ tâm phân).

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ hai?

Sư đáp: Diệu giải đâu cho không đến hỏi, bọt tan nào dễ chặn dòng sông ( Diệu giải khởi dung vô trước vấn, âu hòa tranh phụ tiệt lưu cơ).

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ ba?

Sư đáp: Chỉ xem tượng gỗ đùa trên gác, lôi kéo toàn nhờ người ẩn trong.

Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu giải thích tam huyền, tam yếu như sau:

Phàm một câu nói phải đủ ba huyền môn, một huyền môn phải đủ ba yếu. Cái gì là ba huyền ba yếu? Khéo hội là tốt, mỗi người tự suy nghĩ, lại được ổn đáng hay chưa? Cổ đức xưa đi hành cước nghe một nhân duyên mà chưa liễu ngộ, thì ăn uống không biết ngon, nằm ngủ chẳng yên, gấp rút giải quyết chớ cho là việc nhỏ. Vì vậy mà Đại Giác Lão Nhân vì một nhân duyên xuất hiện ra đời. Xét ra các ngài từ trước nay đi hành cước, chẳng phải vì du sơn ngoạn thủy, xem những vẻ đẹp của châu phủ, thọ dụng manh áo chén cơm, đều vì tâm Thánh chưa thông. Do đó mà rong ruổi việc hành cước, quyết trạch chổ sâu kín truyền bá phô trương, rộng hỏi các bậc tiên tri( người đã liễu ngộ), gần giũ các vị cao đức. Bởi vì muốn tiếp nối ngọn đèn Phật tâm, kế thừa chư Tổ làm rạng rỡ hạt giống thánh để tiếp dẫn kẻ hậu lai, tự lợi và lợi tha vậy.

Tứ liệu giản

Về giáo lý của tông này thì một "công thức" được xem là quan trọng nhất, đó là Tứ liệu giản (zh. 四料簡, ja. shiryōken)—có thể dịch là "bốn phân biệt và chọn lựa". Chính sư Lâm Tế là người trình bày lý thuyết này trước đại chúng. Sư dạy:

有時奪人不奪境
有時奪境不奪人
有時人境俱奪
有時人境俱不奪

Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh
Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân
Hữu thời nhân cảnh câu đoạt
Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt

Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh
Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân
Có khi nhân cảnh đều đoạt
Có khi nhân cảnh đều không đoạt.

Tứ liệu giản trình bày từng cấp bậc nhận thức nhìn theo chủ thể và khách thể, tương đối giống hình thái của Tứ cú phân biệt (sa. catuṣkoṭikā). Về phần nội dung thì công thức này tương ứng với thuyết Tứ pháp giới của tông Hoa Nghiêm. Trong hai cấp đầu tiên thì Ảo ảnh, Vô minh được vượt qua bằng hai phương cách: một là dựa vào chủ thể (subject)—ở đây được gọi là "nhân" và hai là nương theo khách thể (object), là "cảnh" là thế giới hiện hữu. Cấp thứ ba phủ nhận cả hai, cả chủ lẫn khách nhưng đặc biệt là sự khác biệt của hai vẫn còn tồn tại. Trạng thái phủ định này tương ưng với một tâm trạng tập trung tuyệt đối. Chỉ ở cấp thứ tư—khi tâm thức đã vượt qua thế giới nhị nguyên, chủ thể và khách thể không còn tồn tại—thì Chân như mới được nhận diện một cách tột cùng. Trong Lâm Tế lục, Lâm Tế giảng về Tứ liệu giản như sau (Như Hạnh dịch)[cần dẫn nguồn]:

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Đoạt nhân không đoạt cảnh?'" Sư đáp:

煦日發生鋪地錦
嬰孩垂髮白如絲

Hú nhật phát sinh phô địa cẩm
Anh hài thuỳ phát bạch như ti

Mặt trời ấm hiện phô gấm vóc
Trẻ thơ rũ tóc trắng như tơ.

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Đoạt cảnh không đoạt nhân?'" Sư đáp:

王令已行遍天下
將軍塞外絕煙塵

Vương lệnh dĩ hành biến thiên hạ
Tướng quân tái ngoại tuyệt yên trần

Lệnh vua đã hành khắp thiên hạ
Tướng quân ngoài ải dứt khói bụi.

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Nhân cảnh đều đoạt?'" Sư đáp:

並汾絕信。獨處一方

Tịnh Phần tuyệt tín, độc xử nhất phương

Tịnh Phần bặt tin tức, một mình ở một nơi.

Tịnh Phần là tên của hai miền đất nằm xa nhau.

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Nhân cảnh đều không đoạt?'" Sư đáp:

王登寶殿。野老謳歌

Vương đăng bảo điện, dã lão âu ca

Vua bước lên ngai, lão quê ca hát.

Thiền công án, thoại đầu

Xem tại: Công án , Thiền công án, thoại đầu